Dù nhiều câu chuyện trong Phong cách Samsung được viết ra để nêu gương, khích lệ người mới bước chân vào doanh nghiệp, thì qua đó độc giả cũng không khỏi “rùng mình” về môi trường lao động khắc nghiệt cũng như nhiều khoảng tối vô tình được hé lộ ở công ty hàng đầu của xứ kim chi.

Phong cách Samsung (Nhã Nam/NXB Thế giới) được tác giả Moon Hyung Jin - từng là CEO của Samsung SDI, công ty con hàng đầu, chuyên sản xuất màn hình và pin - viết ra nhằm mục đích “giúp những ai đang trong doanh nghiệp làm việc một cách say mê”. Với trải nghiệm phong phú trong thời gian làm việc ở Samsung, tác giả đã cung cấp vô số câu chuyện có thật để lôi cuốn người đọc muốn tìm hiểu về phong cách làm việc ở Hàn Quốc, đặc biệt là phong cách của “người Samsung”.


Từ lâu, Hàn Quốc đã bị “tai tiếng” với tình trạng gwarosa (“quá lao tử” – làm việc lao lực tới chết) hay người lao động thường xuyên bị đòi hỏi làm việc quá giờ mà không có phụ cấp… Ở Samsung, tình trạng này còn được đẩy lên một cấp độ nữa. Với Samsung SDI - bộ phận khắc nghiệt nhất trong các công ty con của “đế chế” như tác giả cho biết, trong tổng số 40 nhân viên ban đầu, có tới 20 người phải chuyển việc vì không chịu nổi áp lực. Có người làm trưởng bộ phận tại một công ty con khác của Samsung suốt 17 năm, được đánh giá có năng lực, nhưng chỉ vài tháng sau khi làm việc tại Samsung SDI đã phải nghỉ làm không lý do 3 ngày liên tiếp.

Dưới áp lực như vậy, tác giả đã tự nêu tấm gương khá “khủng khiếp” (đối với người Việt Nam, và có lẽ với cả nhiều người phương Tây) của bản thân để xiển dương tinh thần làm việc quên mình: cha bị ung thư, hấp hối trong bệnh viện, tác giả vẫn đến công ty làm việc, dù đó là ngày chủ nhật; và tuy băn khoăn về chuyện không ở bên cha lúc ông qua đời, song tác giả không hối hận bởi suy nghĩ rằng “phải cố gắng hết mình để giải quyết công việc”.

Hẳn nhiều khán giả Việt Nam còn nhớ khi làn sóng phim Hàn tràn vào Việt Nam những năm 1990, cảnh các nhân viên cúi gập người chào cấp trên đã gây không ít “dị ứng”. Trên thực tế, việc tuyệt đối tuân thủ hệ thống tôn ti trong công việc chính là một “đặc sản” của Hàn Quốc. Trong Phong cách Samsung, tác giả cũng đưa ra một “đáp án được định sẵn” là trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được phản kháng hay chống đối cấp trên. “Có những lúc chúng ta cảm thấy khó chịu, thấy bản thân phải luồn cúi như vậy thật dơ bẩn và hèn hạ, nhưng nhất thiết phải tuân thủ quy tắc này” – Moon Hyung Jin viết.

Tuyệt đối làm vừa lòng cấp trên cũng được xem là một trong những bí quyết để “thăng tiến thần tốc” ở Samsung. “Huyền thoại” được dẫn ra để chứng minh là trường hợp của giám đốc thường trực Joo. Trước khi trở về Hàn Quốc sau một thời gian làm đặc phái viên thường trú tại châu Âu, Joo để lại cho người kế nhiệm “bảo vật” là một cuốn sổ tay cũ, trong đó ghi chép đầy đủ, rõ ràng tất cả những gì các vị lãnh đạo từng đi công tác tới châu Âu quan tâm và ưa thích, từ những điều nhỏ nhặt nhất như lãnh đạo thích món ăn gì, uống rượu gì cho đến phong cách làm việc, tính cách hay các mối quan tâm khác.

“Giải quyết tốt công việc chưa hẳn là bí quyết thăng tiến thần tốc” – tác giả Phong cách Samsung đã kết luận như vậy khi nêu trường hợp của trưởng phòng Kang. Với tài chơi golf, Kang thường xuyên được cử đi tiếp lãnh đạo, vì thế chỉ sau 2 năm đã được thăng chức trưởng phòng, thay vì tổng cộng ít nhất 6 năm như thông lệ.

Phong cách Samsung cũng hé lộ một tiêu chuẩn bổ nhiệm khá kỳ lạ ở công ty: không chọn người độc thân. Đây là một tiêu chí quan trọng “hầu như không nói ra”. Vậy kết hôn và năng lực làm việc có liên quan gì đến nhau? Có gia đình chẳng phải cản trở công việc hay sao? Theo lý giải của cuốn sách, “cuộc sống gia đình đem đến môi trường ổn định để mỗi cá nhân có thể dốc lòng cho công việc”. Ngoài ra, hôn nhân mang đến trách nhiệm cho con người – “cách nghĩ về cuộc sống của một người ‘mất việc cũng không sao’ với một người ‘không thể để mất việc’ là hoàn toàn khác nhau”. Với tư cách người có kinh nghiệm cất nhắc nhân viên, tác giả cho rằng đây là tiêu chuẩn mang tính chủ quan, thế nhưng nó “vẫn đang được áp dụng trong các cuộc đánh giá”. Không rõ ngoài Samsung, tiêu chuẩn đánh giá nhân sự như vậy có phổ biến ở Hàn Quốc không? Nếu có, có lẽ Hàn Quốc sẽ không bao giờ có những lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng như Tim Cook của Apple hay Paul Allen của Microsoft!

Tuy nhiên, Phong cách Samsung không phải là cuốn sách về hậu trường của công ty, mà đây là một hướng dẫn hết sức bổ ích cho những ai bắt đầu “khởi nghiệp nhân viên”. Lý thuyết “5 năm đầu tiên” để một nhân viên có thể tồn tại và thăng tiến mà tác giả tổng kết được thực sự chi tiết, tỷ mỉ đến từng kỹ năng phải nắm bắt, từng mẫu báo cáo cần thông thạo, những mối quan hệ cần gây dựng… Tin rằng những ai nghiêm túc làm theo sẽ có một sự nghiệp thuận lợi.